Hình tượng người phụ nữ qua các tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Sóng (Xuân Quỳnh) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu) được thể hiện như thế nào

Trong vương quốc văn học, "biên giới" là hai từ không bao giờ tồn tại. Minh chứng rõ nhất là từ xa xưa cho đến nay, đề tài về số phận và vẻ đẹp người phụ nữ luôn là một đề tài nóng, được vô số tác giả khám phá và thể hiện. Tô Hoài, Kim Lân, Xuân Quỳnh, Nguyễn Minh Châu - bốn tác giả ở bốn giai đoạn khác nhau, với bốn phong cách nghệ thuật riêng nhưng đã gặp nhau ở hình tượng người phụ nữ trong tác phẩm của mình. Vợ chồng A Phủ với nhân vật Mị, Vợ nhặt với nhân vật thị, Sóng với hình tượng “em” hay Chiếc thuyền ngoài xa với người đàn bà hàng chài, bốn người phụ nữ ấy đã làm nên bức tượng đài người phụ nữ Việt Nam mà trong mỗi hoàn cảnh, họ mang số phận và vẻ đẹp riêng.

Thơ ca từ xưa đến nay, người phụ nữ luôn gánh trên vai một số phận long đong, bất hạnh, một nỗi đau xuyên thời gian, không gian và tìm gặp nhau ở điểm chung:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

(Nguyễn Du)

Mị trong Vợ chồng A Phù của Tô Hoài phải gánh chịu trên lưng kiếp sống của một con vật, dù mang danh con dâu nhà thống lí (con dâu gạt nợ). Song hành với Mị luôn là hình ảnh con trâu con ngựa, con rùa lùi lũi... cho thấy một kiếp người bất hạnh, sống không bằng con vật. Quyền sống dường như không còn nằm trong tay cô: vì cha mà cô không đành lòng tự tử, rồi vì A Sử ngăn cản bắt trói vào cột mà cô không thể đi chơi trong đêm tình mùa xuân... Một cuộc sống ngột ngạt tù túng, quyền con người bị tước đoạt - đó là hiện thân của xã hội mà kẻ thống trị có thể giày xéo bất cứ người dân nào.

Không chịu kiếp sống con vật như Mị nhưng người vợ nhặt trong Vợ nhặt của Kim Lân lại phải sống lay lắt, vật vờ trong nạn đói khủng khiếp những năm 1945. Chính cái đói đã làm mất đi vẻ đẹp nữ tính của một cô gái trẻ, đẩy thị vào bi kịch: theo không người ta về làm vợ để có cái ăn. Hoàn cảnh xô đẩy, bản tính người bị che lấp, còn đâu lòng tự trọng và vẻ đẹp nhân cách nữa. Thị chính là một minh chứng cho nạn nhân của hoàn cảnh.

Gieo vào lòng người đọc chính là số phận bất hạnh đến bi thảm của người đàn bà hàng chài: cuộc sống khổ cực trên thuyền trên biển đã đẩy gia đình mụ từ ấm êm, hòa thuận đến bạo hành, đói nghèo. Nguyễn Minh Châu đã khắc họa một con người chất chứa một nỗi khổ to lớn, khiến người đọc nhìn vào cũng đau lòng. Cứ ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng, mụ phải chịu đựng những trận đòn roi của người chồng vũ phu - đau xót làm sao! Người đàn bà hàng chài sống cam chịu, nhẫn nhục như chính mụ lựa chọn số phận bất hạnh ấy mà chẳng hề phản kháng, đấu tranh.

Mỗi người một số phận, hình tượng “em” trong Sóng của Xuân Quỳnh lại mang một nỗi niềm về tinh thần. “Em” trong tình yêu luôn trăn trở, suy tư, ngẫm nghĩ và đặc biệt luôn khát khao hạnh phúc. Trong sự đổ vỡ của tình yêu, Xuân Quỳnh luôn phập phồng lo lắng:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa.

Chung quy lại, trong cả bốn tác phẩm, dù ở thời đại nào, không gian nào, hoàn cảnh nào, người phụ nữ vẫn luôn là phái yếu chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh... Đau đớn là vậy, nhưng hình tượng người phụ nữ trong văn học luôn ẩn chứa một vẻ đẹp nội tâm sâu sắc đáng trân trọng.

Nếu như ta đã thấy Mị sống kiếp con vật khi làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra; thì ta cũng sẽ nhận ra một cô Mị hiếu thảo, chăm chỉ, yêu tự do qua câu nói Con nay đã biết cuốc nương, làm ngô, con phải làm nương ngô giã nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu. Trốn về nhà sau khi bị bắt làm dâu gạt nợ, định tự tử bằng nắm lá ngón nhưng nhìn người cha già yếu, cô không đành lòng để cha một mình gánh vác nợ nần. Thật hiếm thấy một người con gái hiếu thuận như vậy! Chính vẻ đẹp tâm hồn ấy, chứ không phải là nhan sắc rực rỡ khiến trai đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị, cũng không phải tài năng thổi sáo giỏi, đã giúp Mị tỏa sáng trong ấn tượng của người đọc.

Không đẹp cũng chẳng tài năng nhưng cô vợ nhặt của nhà văn Kim Lân lại lấy được thiện cảm của người đọc dần dần bằng chính hành động của mình. Kim Lân tả thị lúc đầu là một cô nàng chao chát chỏng lỏn, vì miếng ăn mà quên mất lòng tự trọng; nhưng càng về sau, ngòi bút của ông lại đầy cảm thông, thương xót. Thị chua ngoa nhưng cũng là một cô gái biết e thẹn khi về làm dâu, biết lễ nghĩa khi ra mắt mẹ chồng. Làm dâu, làm vợ rồi thị dần bộc lộ hết những vẻ đẹp của một người phụ nữ: chăm chỉ giúp mẹ chồng dọn dẹp nhà cửa, cư xử lễ phép và tế nhị...

Tôi tìm thấy hạt ngọc ẩn giấu của tâm hồn con người nơi người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Chưa ờ đâu, chưa một tác phẩm văn học nào mà người phụ nữ lại bộc lộ rõ thiên tính nữ như trong Chiếc thuyền ngoài xa. Mụ xấu xí, thô kệch, mặt rỗ, tấm lưng áo bạc phếch... khiến người đọc mới làm quen đã thiếu thiện cảm... Nhưng dần dần, vẻ đẹp tâm hồn của một người phụ nữ từng trải đã thuyết phục chúng ta. Mụ sâu sắc và vị tha, giàu đức hi sinh: mụ thấu hiểu nỗi khổ cùa chồng, cam chịu bị đánh mà không một lời oán trách ca than. Mụ chăm chỉ tần tảo kéo lưới suốt đêm khiến gương mặt tái nhợt đi, để đàn con được ăn no. Mụ trải đời sâu sắc nên chỉ ra và phân tích rõ cho Phùng và Đẩu thấy những bất cập trong chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, tình mẫu tử mụ dành cho các con thật là vô biên...

Bông Hoa dọc chiến hào Xuân Quỳnh lại mang đến chút tự tình lãng mạn trong những năm tháng chống Mĩ ác liệt bằng bài thơ Sóng. “Em” đẹp như sóng và cũng mạnh mẽ như sóng. “Em” “dữ dội” đấy nhưng cũng rất “dịu êm”, đôi lúc “ồn ào” nhưng có những khi thật “lặng lẽ”. “Em” trong thơ Xuân Quỳnh với cảm xúc nồng cháy đã ánh lên những phẩm chất cao đẹp: thủy chung Dầu xuôi về phương bắc — Dầu ngược về phương nam — Nơi nào em cũng nghĩ - Hướng về anh một phương, tin tưởng vào tình yêu Ở ngoài kia đại dương - Trăm ngàn con sóng đó - Con nào chẳng tới bờ - Dù muôn vàni cách trở, sẵn sàng hi sinh để bất từ hóa tình
yêu Làm sao được tan ra - Thành trăm con sóng nhỏ — Giữa biển lớn tình yêu — Để ngàn năm còn vỗ...

Quả thật, số phận bất hạnh không làm mờ đi vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn học, tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: tảo tần, chăm chỉ, thủy chung, sâu sắc, từng trải, giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha, yêu gia đình... Đó là những vẻ đẹp khuất lấp cần khám phá để thấy được chiều sâu nhân văn trong mỗi tác phẩm. Trong cuộc sống, trong tình yêu, người phụ nữ nào chẳng khao khát có được hạnh phúc, có một mái ấm gia đình đúng nghĩa. Và đó cũng là vẻ đẹp tâm hồn nối bật nhất của những người phụ nữ trong các tác phẩm văn học.

Trong Vợ chồng A Phù, Mị lẩm lũi là vậy bời sống lâu trong cảnh khổ, Mị đã quen khổ; thế nhưng khi nghe tiếng sáo từ lấp ló ngoài đầu núi, đến văng vẳng ở đầu làng, rồi lửng lơ bay ngoài đường... sức sống trong Mị như hồi sinh. Mị thấy yêu đời trở lại, Mị thấy mình trẻ, Mị khao khát tự do và muốn được đi chơi. Tất cả đã cho thấy người phụ nữ dù trong đau khổ tù túng thì trái tim họ vẫn luôn hướng về, luôn hi vọng và khát khao hạnh phúc. Chính vì thế, Mị đã chạy theo A Phủ, chạy theo hạnh phúc của mình, rời bỏ mảnh đất Hồng Ngài đau thương.

Và đến Vợ nhặt của Kim Lân, người vợ nhặt cũng vậy, thị theo Tràng về chẳng qua cũng vì muốn tìm một mái ấm gia đình, một nơi được bao bọc trong tình yêu thương. Thị đã khơi dậy ở Tràng hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới và đám người đói đi phá kho thóc của Nhật - đó là minh chứng rõ nhất cho khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc đang rực cháy trong tâm hồn thị.

Khi đến với Chiếc thuyền ngoài xa ta thấy người đàn bà hàng chài, trong đau khổ bất hạnh, khuôn mặt mụ vẫn bừng sáng lên như một nụ cười, khi nhắc đến chuyện ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ. Mụ thương con và hiểu chồng, mụ cố gắng chắt lọc lấy hạnh phúc chứ nhất quyết không li hôn với gã chồng vũ phu.

Đặc biệt, khát khao hạnh phúc được Xuân Quỳnh thể hiện mãnh liệt thông qua hình tượng “sóng” và “em”. “Em” trăn trở, giàu lòng trắc ẩn, day dứt về tình yêu chính vì “em” luôn tìm kiếm hạnh phúc trọn vẹn Bồi hồi trong ngực trẻ. Yêu say đắm, tha thiết, nhưng khát khao tình yêu đích thực, khát khao hạnh phúc vẫn luôn thường trực trong trái tim người phụ nữ.

Trong văn học, hình tượng người phụ nữ không mới mẻ nhưng dưới ngòi bút của mỗi tác giả. hình tượng ấy lại đem đến cho bạn đọc cảm giác khác nhau thông qua những tác phẩm khác nhau. Dù là thơ, truyện hay tiểu thuyết, các tác giả vẫn luôn tập trung làm nổi bật hình tượng người phụ nữ với số phận bất hạnh nhưng ẩn sâu những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam với khát khao hạnh phúc mãnh liệt.

Phụ nữ giống như những bông hoa, mỏng manh nhưng không kém phần kiên cường, có đóa hoa đẹp về màu sắc nhưng có đóa hoa lại ngát hương thơm, nhưng tất cả đều có chung một nhiệm vụ đó là nuôi dưỡng sức sổng cho cuộc đời, luôn hết mình khoe sắc và giữ gìn giống nòi cho muôn đời sau. Ý thức được điều đó, bằng ngòi bút nhân đạo cùa mình, các nhà văn nhà thơ hiện đại, đặc biệt là qua các tác phẩm Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt, Sóng và Chiếc thuyền ngoài xa đã xây dựng hình tượng người phụ nữ hiện lên như những tượng đài bất khuất, đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam qua các thời kì, luôn sáng ngời phẩm chất nữ tính, tình thương yêu, sự dịu hiền, đảm đang và tình cảm chân thành nhất nơi tâm hồn con người.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.