Phân tích những điểm giống nhau và khác nhau của hai nhân vật Việt và Chiến truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi

Truyện“Những đứa con trong gia đình" là sáng tác xuất sắc của Nguyễn Thi trong thời chống Mĩ nói về Chiến và Việt là hai chị em ruột, lại là hai chiến sĩ Giải phóng quân cùng ra trận trong một ngày. Với lối kế chuyện đậm đà màu sắc dân gian, vận dụng ngôn ngữ Nam Bộ vào miêu tả và biểu cảm, đặc biệt là nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật điển hình - tất cả tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của áng văn xuôi này.

Chiến và Việt có nhiều điểm giống nhau. Là con em của một gia đình cách mạng, giàu truyền thống anh hùng. Ông bà, ba má đều bị giặc sát hại. Mối thù chất chứa và đè nặng trong lòng có bao giờ nguôi? Hai chị em cùng một ước nguyện nung nấu được lên đường đánh giặc, trả thù cho ông bà, ba má, cho quê hương.

Tình thương là vẻ đẹp tâm hồn của hai chị em. Nguyễn Thi đã gây xúc động cho người đọc trước cảnh hai chị em Chiến và Việt tranh nhau ghi tên tòng quân, và sáng hôm sau, trước lúc lên đường cùng ghé vai khiêng bàn thờ má sang gửi bên nhà chú Năm. Đây là đoạn văn hay nhất, cảm động nhất của thiên truyện: “Nào! Đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nào nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”…

Gia đình Tư Năng là một gia đình có truyền thống bất khuất. Ba má gan góc nên bầy con cũng gan góc. Má đi trước bầy con đi sau, chị Hai, Chiến và Việt bám sát lũ giặc mà la: “Trả đầu bạ! Trả đầu ba!”. Giặc bắn cũng không sợ! Cho đến lúc lấy lại được đầu ba rọi, Việt “cứ nhè cái thẳng vừa liệng đầu mà đá”. Gan góc như thế nên Việt và Chiến đã cùng ba má và quê hương kiên cường đánh giặc. Cả hai chị em đều chiến đấu dũng cảm và lập dược nhiều chiến công. Chị Chiến đã đánh tàu giặc trên sông Định Thuỷ bắn chết một thằng Mĩ, còn Việt thì phá được một xe tăng Mĩ trong một trận đánh ác liệt giữa rừng cao su.

Quê hương mấy chục năm trời đầy bóng giặc, tang tóc đau thương trùm lên mọi gia đình. Thù nhà, nợ nước chất cao. Cha mẹ đều là dũng sĩ nên hai chị em dường như sinh ra để mà đánh giặc. Đánh giặc để trả thù cho ba má, cho gia đình và quê hương, đất nước. Đánh giặc là niềm say mê lớn nhất của hai chị em Việt và Chiến, của tuổi trẻ miền Nam: “Hạnh phúc của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù”. Chiến đã nói với em trong đêm thu xếp việc nhà trước lúc ra trận: “Tao đã thưa với chu Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi là tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”. Câu nói mộc mạc ấy, giản dị ấy vang lên thiêng liêng như một lời thề! Nó chẳng khác nào câu nói của chị út Tịch - người mẹ cám súng: “Còn cái lai quần cũng đánh”. Nó giống như quyết tăm đánh giặc của hàng triệu thanh niên ta hồi ấy: “Ra đi chỉ một lời thề - Chưa giết hết giặc, chưa về quê hương”.

Chiến và Việt ở độ tuổi 17, 18 bắt đầu trưởng thành. Có lúc hai chị em còn giành nhau bắt ếch, di được nhiều hay được ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến giặc trên sông Định Thủy và giành nhau ghi tên tòng quân. Cái hồn nhiên, ngây thơ vẫn còn in đậm trong mỗi nhân vật nhưng nhận thức về thù nhà nợ nước, về nghĩa vụ đánh giặc để giải phóng miền Nam lại vô cùng sâu sắc.

Việt và Chiến có những nét chung về tính cách và có những khía cạnh riêng về cá tính. Cái tài của Nguyễn Thi là tạo cho mỗi người một vẻ. Sự khác biệt giữa Chiến và Việt xét cho cùng vì một người là chị, một người là em và khác nhau về giới tính. Chú Năm nhận xét: “Việt là một thằng nhỏ gan, chị Chiến là một đứa con gái không khác mẹ một chút nào”. Chiến giống me ở tính gan góc, tần tảo, tháo vát, đã nói là làm, biết lo toan thu xếp việc nhà đâu vào đấy. Nấu cơm cúng má, gửi đồ đoàn nhà cửa, trao lại chi bộ năm công ruộng, gửi bàn thờ má, thu xếp cho đứa em út ăn ở học hành, từ việc nhỏ đến việc lớn, Chiến đều bàn với em và chú. đã thu xếp chu đáo tất cả mọi việc trước lúc lên đường đi đánh giặc. Là chị lớn, sau khi mẹ mất, Chiến sớm phải làm chủ gia đình nên cô khôn ngoan và già dặn trước tuổi. Nghe Chiến trình bày việc nhà, chú Năm phải buột miệng khen: “Khôn! Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non. Con nít chúng bay kỳ đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước”.

Là chị, Chiến rất thương em, hầu như trong mọi chuyên tranh giành, cuối cùng chị đều nhường nhịn. Khi ghi tên tòng qụân, Chiến nhất định không chịu nhường vì ngoài niềm khát khao đánh giặc, còn có lòng thương em của người chị. Chiến chưa muốn em phải xông pha bom đạn hiểm nguy vội, vì em còn nhỏ “thủng thẳng để chú Năm thu xếp rồi hãy đi…”.

Hai chị em đều là con nhà nghèo, mồ côi. Chiến tranh kéo dài nên cả hai chị em đều thất học, đang bập bẹ tập đánh vần, tập viết. Chiến kiên nhẫn hon Việt trong việc học hành. Có lúc em còn bỏ bê về nhà ăn cơm hay đi chơi, còn chị thì cứ ngồi ở một góc ván, tập đánh vần hoài “từ trưa tới xế, rồi chiều, bỏ quên cả trời chạng vạng”.

Việt là em, lại là trai nên hiếu thắng, hay tranh giành với chị. Việc nhà phó mặc cả cho chị. Nghe chị bàn, Việt cứ ừ ào cho qua, vừa nghe vừa đưa tay chụp con đom đóm rồi ngủ gục lúc nào không biết. Thích đi đánh giặc, dũng cảm trong chiến trận, lạc đơn vị ba ngày đêm, mình đầy thương tích, lúc nào nòng súng lên đạn vẫn hướng về phía giặc, thế mà khí bóng đêm vắng lặng và lạnh lẽo bao phủ chiến trường, Việt lại sợ ma: “con ma cụt đầu”... “thằng chỏng thụt lưỡi…”, vừa chợt nhớ tới, đã làm cho cậu ta “nằm thở dốc”. Trong thơ của Trần Đăng Khoa có một hình ảnh rất hay về chú bộ đội thời đánh Mĩ:

"Cháu nghe chú đánh những đâu,

Những tàu chiến cháy, những tay bay rơi.

Đến đây chỉ thấy chú cười,

Chú đi gánh nước, chú ngồi đánh bi"...

(Gửi theo các chú bộ đội)

Ở đây, Việt cũng vậy, khi đă trở thành một Giải phóng quân nhưng trong hành trang của cậu la vẫn có chiếc ná thun nằm gọn trong túi áo như hồi còn ở nhà... Trong câu hò chú Năm, Việt khi thì biến thành tấm áo vá quàng, hoặc con sông dài cá lượn, lúc thì biến thành  người nghĩa quân Trương Định, ngọn đèn biển Gò Công, hoặc ngôi sao sáng ở Tháp Mười. Phải rồi, Việt là hình ảnh quê hương, Việt là hình ảnh của nhân dân anh hùng.

Tóm lại, hai chị em Chiến và Việt là “con nòi” gốc gác nông dân, tuy có nhiều điểm giống nhau nhưng lại có cá tính khác nhau, chị và em mỗi người một bản sắc. Cả hai chị em đều đáng yêu. Nguyễn Thi đã tạo dựng nên tính cách điển hình sống động: Chiến và Việt tiêu biểu cho khí phách anh hùng của tuổi trẻ miền Nam thời đánh Mĩ. Trong một chừng mực nhất định, bức chân dung hai chị em đều được cá thể hoá cao độ, tạo nên ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Thời đánh Mĩ: “ra đến ngõ gặp anh hùng”- Truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của Nguyên Thi giúp ta cảm nhận được điều đó.

Chú Năm có nói: “…Con sông nào ở nước cũng đẹp, lắm nước bạc, nhiều phù sa vườn ruộng mát mẻ cũng sinh ra từ đó, lòng tốt của con người cũng sinh ra ra từ đó”… Phải rồi, lòng tốt của chị em Chiến, Việt sinh ra từ dòng sông và mảnh đất quê hương.

Tiền tuyến thời đánh Mĩ đà gọi hai chị em Việt và Chiến lên đường. Sau khi chồng bị giặc giết, má Tư Năng nói: “Để má ráng nuôi bay lớn coi bay có làm được gì cho cha mày vui không?”. Má đã trông ngày trông đêm cho con mau lớn. Chị em Chiến và Việt ra trận để báo vệ quê hương và cũng là để làm trọn lời nguyền của má. Chiến và Việt khác nào hai giọt nước trên dòng Cửu Long Giang cuộn sóng của đất trời phương Nam.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.