Thuốc của Lỗ Tấn gợi một bối cảnh dung dị, trầm lắng và sâu xa: một quán trà, một pháp trường và một bãi tha ma Cảnh tượng nào cũng gây cảm giác buồn buồn, cố hữu. Quán trà của những người vô công rồi nghề thì ngheo nàn, tẻ nhạt. Pháp trường thì toàn những bóng đen lượn lờ dưới ánh đèn dầu khi mờ, khi tỏ. Bãi tha ma thì mộ dày khít như bánh bao nhà giàu trong tiệc mừng thọ, ở giữa có một con đưòrng mòn cố hữu mà nhà văn đã nhắc nhiều lần trong tác phẩm của mình.
Con đường mòn đó là ranh giới phân chia nghĩa địa thành hai phần rõ rệt: bên phải là mộ của người nghèo, bên trái là mộ của nhũng người chết chém Người dân Trung Quốc lúc bấy giờ rất lạc hậu, họ coi làm cách mạng là làm giặc, là trái đạo. Hình ảnh con đường mòn được nhắc nhiều lần trong tác phẩm như một sự ám ảnh về lối sống u mê của người dân đương thời, có thể coi bối cảnh ấy là bức tranh điển hình của nước Trung Hoa thời trung cổ. Tuy nhiên, ám ảnh ấy đã vợi đi phần nào với chi tiết trong truyện: mùa xuân, vào tiết thanh minh, hai bà mẹ đã bước qua con đường mòn cố hữu đến thăm nhau. Đó có thể coi là dấu hiệu tốt lành, hứa hẹn sự giác ngộ của người dân Trung Quốc để con đường mòn không còn là ranh giới ngăn cách mà trở thành con đường chung.