Em hãy phân tích nhân vật Phan Bội Châu trong truyện "Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu" của Nguyễn Ái Quốc

Truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu cùng nhiều tác phẩm khác nữa mà Bác Hồ viết với bút danh Nguyễn Ái Quốc vẫn có giá trị như một áng văn Việt Nam đích thực, góp phần làm sôi động thêm dòng chảy của văn chương dân tộc. Đọc truyện, chúng ta cảm nhận thật rõ ràng hai hình tượng nhân vật đối lập nhau: đó là những nhân chứng lịch sử và những nhân cách con người. Tác giả đã tố cáo Va-ren, một chính khách thực dân xảo quyệt, một kẻ phản bội nhục nhã đồng thời ca ngợi phẩm chất anh hùng của Phan Bội Châu, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc. Tìm hiểu hình tượng nhân vật Phan Bội Châu, ta cũng hiểu cả tấm lòng yêu nước và tài năng văn chương của tác giả.

Với kẻ thù - tiêu biểu là toàn quyền Va-ren - ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc mang tính chiến đấu mạnh mẽ bao nhiêu thì với người anh hùng dân tộc Phan Bội Châu, ngòi bút ấy mềm mại, trân trọng bấy nhiêu. Hình tượng Phan Bội Châu được miêu tả rõ nét, luôn song song với nhân vật Va-ren, như một đối chứng của hai màu sắc chọi nhau của một bức vẽ. Điệp ngữ...trong bốn tuần lễ đó Phan Bội Châu bị giam trong tù... Trong khi đó thì Phan Bội Châu vẫn nằm tù nhấn đi nhấn lại cái hoàn cảnh khổ cực của cụ Phan, cũng đồng thời bày tỏ một tình cảm xót thương. Thương xót và trân trọng, ngợi ca, âm điệu trữ tình ấy thấm đẫm trong từng câu chữ. Đối chiếu hai sự việc, hai con người để tố cáo tâm địa xảo quyệt của Va-ren. Hắn cố kéo dài thời gian giam hãm cụ Phan Bội Châu như để uy hiếp tinh thần cụ, buộc cụ từ bỏ ý chí đấu tranh.

Hắn hứa chăm sóc cụ Phan Bội Châu đó là lời hứa nửa chính thức do sức ép của công luận ở Pháp và Đông Dương mà thôi. Thực chất nham hiểm, xảo quyệt của hắn đã bộc lộ sâu sắc và rõ nét khi chạm trán với Phan Bội Châu.

Trong suốt buổi gặp, để mặc cho Va-ren diễn thuyết với bao nhiêu lời hoa mĩ, ngọt ngào, cụ Phan chỉ im lặng, dửng dưng. Tai cụ không nghe, nét mặt cụ bình thản, cụ ngồi... im như một pho tượng... làm cho Va-ren sửng sốt cả người. Đấy chính là tư thế hiên ngang bất khuất của người chiến sĩ thể hiện cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù, phủ nhận, bác bỏ mọi âm mưu ma chước quỷ xảo trá của bọn ngoại xâm, Kil ngọn râu mép của Phan Bội Châu nhếch lên một chút - theo lời anh lính dõng kể - nhất là lúc cụ nhổ vào mặt Va-ren, như lời một nhân chứng thứ hai quả quyết, thì cuộc chiến trở nên quyết liệt. Người anh hùng ấy đã chiến thắng. Bởi vì, đối với Phan Bội Châu, tất cả lời lẽ và thái độ của Va-ren chỉ là một trò... lố bịch, một trò hề! Có thể nói, trong truyện ngắn này, hình tượng Phan Bội Châu được khắc hoạ bằng một ngòi chấm phá kiểu Á Đông. Chỉ vài nét vừa tả, vừa gợi, nhân vật đã nỗi lên, rõ rệt một chân dung, một thần thái có đủ phẩm chất, tính cách. Phan Bội Châu, đó là người chiến sĩ hiên ngang, bất khuất trước mọi mưu mô nham hiểm, thâm độc của kẻ thù. Phan Bội Châu, đó là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vô cùng đáng kính.

Viết về nhân vật Phan Bội Châu, tác giả đã dành những từ ngữ đẹp nhất: khi gọi cụ là người đồng bào tôn kính của chúng ta, con người đã hi sinh cả gia đình và của cải..., lúc nâng lên tầm cao của bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân. Đó là cách định danh của thần thánh.

Miêu tả thái độ và cử chỉ Phan Bội Châu trước những lời lố bịch của Va- ren, tác giả đã đập thẳng vào mặt kẻ thù của cụ Phan cũng là kẻ thù của cả dân tộc, những đòn chí mạng. Đó là lưỡi gươm sắc bén mà người thanh niên yêu nước đã vung lên trong buổi đầu chiến đấu chống thực dân vì độc lập tự do của dân tộc.

Cử chỉ hành động của nhân vật Phan Bội Châu được miêu tả không nhiều, nhưng ta vẫn thấy nổi bật lên hai hình tượng nhân vật đối chọi nhau như bóng tối và ánh sáng: một kẻ tiểu nhân, phản bội và một người anh hùng trung thành với lí tưởng, hiên ngang, bất khuất. Đó là những nhân chứng lịch sử, những nhân cách con người mãi mãi không phai mờ. Đằng sau hai hình tượng ấy là tấm lòng của Nguyễn Ái Quốc; vừa căm thù thực dân xâm lược vừa yêu nước thiết tha. Tấm lòng ấy được thể hiện qua ngòi bút chiến đấu sắc sảo độc đáo: miêu tả sinh động, dùng từ linh hoạt, tự nhiên, trào phúng, nhất là nghệ thuật khắc hoạ nhân vật, tạo tình huống bất ngờ...

Truyện ngắn Những trò lố... có nguyên văn bằng tiếng Pháp, được viết cách đây trên nửa thế kỉ. Những nhân vật, những sự việc đã đi vào quá khứ. Song vừa đọc, vừa nghiền ngẫm, ta thấy Phan Bội Châu, rất xứng đáng được dân tộc Việt Nam tôn kính. Đặc biệt, ngòi bút châm biếm độc đáo của tác giả Nguyễn Ái Quốc, ngay từ những ngày đầu cầm bút, đã xứng đáng một nhà văn - chiến sĩ yêu nước.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.