Bình luận về ý nghĩa của hình ảnh ngọc trai - giếng nước trong Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy

Cách kết thúc truyền thuyết Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy không chỉ đẫm máu và nước mắt mà còn mang đậm màu sắc bi kịch. Mỗì tình Mị Châu - Trọng Thủy là một mối tình đầy oan trái mà cho đến tận khi cả hai chết đi, chúng ta vẫn thấy dư âm của một nỗi buồn sâu thẳm. Nỗi buồn, nỗi day dứt ấy hiển hiện trong lòng người đọc chính qua hình ảnh ngọc trai - giếng nước.

Ngọc trai - giếng nước là cặp hình ảnh rất đẹp đẽ nhưng cũng đầy bi kịch. Mị Châu là nàng công chúa đất Việt, Trọng Thủy là chàng hoàng tử đất Bắc; tình yêu của hai người chỉ nảy nở khi Trọng Thủy về nước Nam ở rể và đảm nhận một nhiệm vụ quan trọng. Nhưng có lẽ tình yêu với Tổ quốc quá lớn, nhiệm vụ vua cha giao quá lớn nên khi cân nhắc giữa tình và hiếu, Trọng Thủy đã chọn chữ hiếu. Vả lại, tình cảm với Mị Châu cũng là đến sau lời hứa với vua cha. Vào vai một tên gián điệp, Trọng Thủy đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc nhưng với tư cách một người chồng thì quả thật y là một gã chồng tồi. Mị Châu vì quá yêu và tin tưởng Trọng Thủy nên đã vô tình trở thành đứa con bất hiếu, kẻ tiếp tay cho giặc. Nhiệm vụ đánh tráo nỏ thần — bí mật quốc gia của Âu Lạc - vì có Mị Châu vô tình giúp sức nên Trọng Thủy đã hoàn thành. Hắn đã đánh lừa cả An Dương Vương và toàn dân Âu Lạc một cách “xuôi chèo mát mái” nhưng về tình riêng thì hắn thất bại một cách thảm hại. Cuối cùng, Trọng Thủy cũng không thể bảo vệ tình yêu của mình, bảo vệ người vợ đã hết mực thương yêu và tin tưởng y. Trước cảnh nước mất nhà tan, “kẻ sau lưng chính là giặc”, An Dương Vương đã tự tay giết chết đứa con gái mà mình yêu thương nhất. Trước khi chết, Mị Châu đã khấn nguyền thần linh và hình ảnh ngọc trai ứng với lời nàng khấn nhằm chiêu tuyết, thanh minh cho danh dự và tấm lòng trong sáng của nàng.

Còn Trọng Thủy, trước cái chết của Mị Châu, vì quá đau xót, ân hận đã nhảy xuống giếng tự vẫn. Có lẽ sự cấn rứt lương tâm không cho phép hắn tha thứ cho bản thân mình. Người vợ hết mực yêu thương hắn, đã làm tất cả vì hắn thì cũng chính vì hắn mà phải chết. Cái chết của Trọng Thủy vừa như một sự chuộc tội vừa là sự giải thoát cho chính y. Hình ảnh giếng nước có hồn Trọng Thủy hòa cùng nỗi hối hận là sự chứng nhận cho mong muôn hóa giải tội lỗi của hắn.

Chi tiết ngọc trai đem rửa nước giếng càng trở nên sáng đẹp hơn cho thấy dường như Trọng Thủy đã tìm thấy sự hóa giải tội lỗi trong tình cảm của Mị Châu. Nếu ngọc trai - giếng nước tượng trưng cho sự gặp lại của hai người ở kiếp sau thì đó cũng chỉ là hình ảnh môì oan tình được hóa giải. Có lẽ Mị Châu đã tha thứ cho Trọng Thủy nhưng đó chỉ là sự thứ tha mà thôi. Mị Châu trước khi chết đã kịp nhận ra rằng mình bị lừa, mà kẻ lừa nàng chính là người mà nàng yêu thương nhất. Sự nhẹ dạ của nàng phải trả giá bằng sinh mạng của chính nàng, của người cha thân yêu và vận mệnh của toàn dân tộc. Vì lẽ đó, nếu có kiếp sau thì Mị Châu cũng không thể mù quáng mà chung tình với kẻ đã từng lừa dối và gây cho nàng bao đau khổ.

Ngọc trai - giếng nước là một sáng tạo nghệ thuật mang vẻ đẹp hoàn mĩ. Song vẻ đẹp ấy không phải là dành cho mối tình Mị Châu - Trọng Thủy. Nếu cho rằng hình ảnh này được sáng tạo để ca ngợi cho mối tình chung thủy, đẹp đẽ thì không phù hợp với sự thức tỉnh của Mị Châu bởi đến lúc chết nàng không còn mù quáng nữa. Thêm vào đó, truyền thuyết phản ánh lịch sử theo quan niệm của nhân dân, nhằm đề cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, không bao giờ nhân dân lại sáng tạo ra một câu chuyện với những chi tiết ca ngợi những người đã đưa họ đến bi kịch mất nước. Nhân dân không thể nào ca ngợi một nàng công chúa chỉ biết nghe lời chồng mà bỏ quên bổn phận đôì với đất nước.

Trong khi phê phán Mị Châu, nhân dân cũng thể hiện thái độ thông cảm và thấu hiểu với sự vô tình, ngây thơ, cả tin của nàng; vì vậy nhân dân đã biến ước muôn của nàng thành hiện thực: để máu nàng biến thành ngọc trai - chứng minh cho tấm lòng trong sáng. Còn đôĩ với Trọng Thủy, có lẽ nhân dân ta chỉ có thể thông cảm chứ không thể tha thứ và càng không thể ngợi ca được. Vậy nên sự sáng tạo hình ảnh ngọc trai - giếng nước vừa thể hiện thái độ nghiêm khắc vừa cho thấy cái nhìn nhân ái và sự thấu tình đạt lí của nhân dân ta.

Ngọc trai - giếng nước không chỉ là một hình tượng nghệ thuật mà còn minh chứng cho nỗi đau của toàn dân tộc - nỗi đau mất nước. Người đọc không thể quên đi nỗi đau ấy cũng như hình ảnh ấy. Đó cũng là bài học về tinh thần cảnh giác và ý thức bảo vệ, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu sẽ khiến chúng ta nhớ mãi. Có lẽ vì thế mà nhà thơ Tản Đà đã bình luận về câu chuyện này như sau:

Một đôi kẻ Việt người Tần

Nửa phần ân ái, nửa phần oán thương

Vuốt rùa chàng đổi móng

Lông ngỗng thiếp đưa đường

Thề nguyền phu phụ

Lòng nữ nhi,

Việc quân vương

Duyên nợ tình kia dở dang

Nệm gấm vó câu

Trăm năm giọt lệ

Ngọc trai giếng nước

Nghìn thu khói nhang.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.