Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) trong đêm mùa xuân ở Hồng Ngài

Phân tích đề

- Thành công nhất của nhà văn Tô Hoài khi xây dựng nhân vật Mị là sự phân tích tâm lý nhân vật, vì đây không những thể hiện tài năng của nhà văn mà còn bộc lộ sự hiểu biết sâu sắc về con người. Mị xuất hiện trong Vợ chồng A Phủ như một con người đầy tâm trạng, ngay cả khi nhân vật này không nói, không suy nghĩ gì.

Để làm tốt đề này, cần tham khảo kỹ đề (Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị thể hiện trong cảnh ngộ từ khi bị bắt làm con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra đến khi trốn khỏi Hồng Ngài). Thực ra, về nội dung, đề này là một phần của đề đó. Tuy nhiên, khi tách ra thành một đề độc lập, sự phân tích cần kỹ lưỡng hơn.

Dàn bài

1. Giới thiệu sơ lược về Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ. Tâm trạng của Mị trước đêm xuân.

2. Phân tích tâm trạng Mị trong đêm mùa xuân

- Trước đêm mùa xuân, do bị đọa đày, áp chế, Mị trở thành người phụ nữ “vô hồn”, mất cả cảm giác về thời gian lẫn không gian. Kiếp sống của Mị chẳng khác nào kiếp con trâu, con ngựa trong nhà thống lý Pá Tra. Tuy nhiên, sức sống trong Mị chưa hoàn toàn lụi tắt. Mỗi khi bước vào buồng Mị lại ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ. Điều ấy cho thấy Mị luôn hướng vọng ra bên ngoài, ẩn chứa một khát khao, dù khá mong manh và mơ hồ. Sức sống có thể bị dập tắt vĩnh viễn, nhưng cũng có thể sẽ trỗi dậy khi có điều kiện.

- Sự tác động của bối cảnh bên ngoài đối với Mị trong đêm mùa xuân. Mùa xuân năm ấy ở Hồng Ngài đẹp và gợi cảm biết bao: Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa... Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng... Trong các làng Mèo, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ... Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ hạn đi chơi... Chính không gian rộn rã sắc màu cùng tiếng sáo tha thiết đã đánh thức cô Mị ngày xưa. Tiếng sáo như chạm vào nỗi nhớ. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi. Mị ngồi nhẩm lại bài hát của người đang thổi...

Mùa xuân đó đầy sắc màu, rộn rã âm thanh. Điều ấy xa lạ với không gian trong căn buồng bé nhỏ của Mị, nhưng gần gũi với một thế giới mà Mị đã từng sống rất hạnh phúc. Chúng gợi cho Mị nhớ lại thời xa xưa. Ngày xưa, Tết Mị uống rượu. Bây giờ, Mị cũng uống rượu. Rồi Mị say.

- Rượu - chất men đánh thức phần đời đã mất của Mị. Khi uống rượu say, Mị được lại sống về ngày trước. Ngày trước, Mị vui sướng biết bao. Tai Mị vẳng nghe tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Đấy là tiếng sáo của tình duyên, của tuổi thanh xuân căng đầy sức sống. Mị không còn là cô con dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra nữa. Mị đang uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Ra thế, Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ.

- Sự đối lập giữa hoàn cảnh đêm xuân, giữa thế giới được đánh thức với cuộc sống thực tại: Khi say, Mị nhớ và sống lại với ngày xưa, nhưng thực ra, Mị vẫn đang ở nhà của thống lí Pá Tra. Mị vẫn đang sống kiếp đọa đày với thằng A Sử. Sự đối lập gay gắt giữa một bện là hạnh phúc và tuổi trẻ với một bên là kiếp sống trâu ngựa đã khiến Mị suy nghĩ đến việc kết liễu đời mình như ngày mới về làm dâu nhà thống lý Pá Tra. Mị lại ước gì có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Càng nhớ lại chỉ thấy nước mắt ứa ra. Ôi chao, tiếng sáo ấy, tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường. Mị đang muốn quên đi; Mị không muốn nhớ lại cái ngày trước mà không được. Tiếng sáo ấy lửng lơ; tiếng sáo ấy làm Mị thiết tha bổi hổi. Mị muốn đi chơi. Mị muốn thoát ra ngoài cái ô cửa mờ đục, trăng trắng này!

- Nhưng Mị lại thực hiện một sự giải thoát bằng cách khác. Đó là bỏ nhà đi chơi như những người trẻ trung đang dập dìu ngoài làng. Mị đã có ý định giải thoát một cách lặng lẽ mà mãnh liệt: Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng... Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở trong vách... Mị rút thêm cái áo. Mị làm tất cả, thật bình thản và quyết liệt như ngày xưa, khi trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo.

- Ý định giải thoát của Mị không thành: Trông thấy Mị, A Sử lấy làm lạ. Nó chỉ biết rằng Mị muốn đi chơi. Thằng chồng ác hơn con hổ ấy không biết trước mặt mình đã là một cô Mị khác, cô Mị của ngày mà hắn đã từng lừa lọc để đánh cắp đem về. Hắn thẳng tay vùi dập tàn nhẫn sự trở về đó: A Sử bước lại; nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói Mị đứng vào cột nhà. Tóc Mị xòa xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột làm cho Mị không cúi, không nghiêng đầu được nữa...

- Nhưng A Sử chỉ trói được thể xác của Mị: Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi... Mị chưa giải thoát được thể xác, nhưng Mị đã giải thoát được tinh thần, dù chỉ trong tâm tưởng: Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Khi ấy, Mị mới biết mình đang bị trói, đang ở trong căn nhà tù ngục này. Lòng Mị đau đón, thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.

3. Kết luận

Cuộc trỗi dậy lần thứ nhất của Mị không thành. Mị không thoát khỏi căn nhà ấy, dù chỉ một phút giây. Nhưng Mị đã không còn là con ngựa, con rùa lùi lũi trong xó cửa nữa. Mị đã sống lại những thời khắc của túổi thanh xuân tươi trẻ và tự do. Vì thế, khi bị A Sử trói, lúc bàng hoàng tỉnh, Mị chợt nhớ đến câu chuyện một người vợ trong nhà thống lí Pá Tra bị trói đã chết không ai hay. Và, Mị sợ quá. Mị còn muốn sống. Mị còn ham sống.

Cuộc trỗi dậy ấy như một đợt sóng dâng lên rồi tan ra. Nó không làm mảy may thay đổi cuộc đời Mị. Nhưng từ đó, sóng ngầm vẫn không mất. Nó sẽ tuôn trào thành những đợt sóng mới, mãnh liệt hơn lúc nào hết, bằng chứng là hành động cởi trói cho A Phủ và cùng anh ta trốn khỏi Hồng Ngài sau này.

Thành công của nhà văn là khắc họa một nhân vật sống chủ yếu bằng tâm trạng, với tâm trạng. Cả đêm mùa xuân, Mị hành động được rất ít, nhưng người đọc vẫn thực sự hấp đẫn với một con người đang từ cõi âm u mơ hồ trỗi dậy. Không gian, thời gian, giọng kể chuyện của tác phẩm đều theo một tiết tấu của chính tâm trạng ấy. Hẳn Tô Hoài đã đặt cả tấm lòng của mình vào tâm trạng của Mị, để người đọc dõi theo tâm trạng ấy, khi tha thiết bổi hổi, khi nghẹn ngào xót xa!

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.