Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm đầu mối chủ trì theo dõi Chỉ số Hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam. LPI là từ viết tắt của Logistics Performance Index – Chỉ số Hiệu quả Logistics. Đây là một chỉ số do Ngân hàng Thế giới đưa ra để xếp hạng hiệu quả, năng lực hoạt động logistics của các quốc gia.
Mặc dù chỉ là chỉ số do một tổ chức đưa ra, nhưng cho đến nay LPI của Ngân hàng Thế giới dược đông đảo các nước thừa nhận như một chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logisitics mỗi nước. LPI đã được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia thương mại, các nhà nghiên cứu sử dụng trong việc đánh giá và so sánh sự phát triển logistics. Qua đó, LPI cho phép các chính phủ, doanh nghiệp và so sánh sự liên quan đánh giá lợi thế cạnh tranh tạo ra từ hoạt động logistics và có biện pháp để cải tiện logistics – mạch máu của kinh tế toàn cầu.
Cho đến nay đã có 7 lần xếp hạng LPI trong các năm 2007, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018 và 2023. Thông thường Báo cáo LPI của Ngân hàng Thế giới sẽ được xuất bản 2 năm 1 lần vào những năm chẵn, tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch covid 19 nên khiến cho quá trình khảo sát trở lên khó khăn cũng như việc biến động bất thường trong các dữ liệu khảo sát. Vì vậy, đến cuối năm 2022, Ngân hàng Thế giới mới tiến hành khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới và công bố báo cáo LPI 2023.
Năm 2018, 5 nước có chỉ số LPI cao nhất là Đức, Thụy Điển, Bỉ, Áo và Nhật Bản. Việt Nam xếp thứ 39/160 nước tham gia khảo sát, tăng 25 bậc so với năm 2016 (64/160). Trong ASEAN, Việt Nam đứng thứ sau hai nước là Singapore (thứ 7) và Thái Lan (thứ 32). Năm 2023, Việt Nam đạt 3,3 điểm tăng 0,03 điểm so với kết quả năm 2018 và là mức cao nhất của Việt Nam kể từ khi nghiên cứu này được công bố. Tuy nhiên, xét về thứ hạng, Việt Nam đứng vị trí thứ 43, tụt 4 hạng so với thứ 39 “ngoạn mục” của năm 2018. Việt Nam thuộc Top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.
Báo cáo nghiên cứu về LPI năm 2023 của Ngân hàng Thế giới có một số thay đổi về phương pháp đánh giá cũng như trình bầy kết quả so với những năm trước. Để tìm hiểu về phương pháp, kết quả xếp hạng LPI năm 2023 của các nước trên thế giới cũng như đánh giá tình hình cải thiện hiệu quả logistics Việt Nam giai đoạn vừa qua, quá đó đề xuất các giải pháp tập trung cải thiện, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp cùng các chuyên gia logistics xây dựng Báo cáo Nâng cao Chỉ số Hiệu quả Logistics Việt Nam 2023. Báo cáo được kết cấu 5 chương, cụ thể như sau:
(i) Tổng quan;
(ii) Tình hình phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam;
(iii) Nghiên cứu về hiệu quả logistics của Ngân hàng Thế giới năm 2023;
(iv) Hiệu quả logistics của Việt Nam năm 2023;
(v) Giải pháp cải thiện hiệu quả logistics của Việt nam.
Báo cáo được xây dựng với sự tham gia của Ban Biên tập gồm các chuyên gia của Bộ Công Thương, Hiệp hội, tổ chức đào tạo và nghiên cứu… trên cơ sở hệ thống thông tin, số liệu đáng tin cậy, được cập nhật từ các nguồn thông tin chính thống.
Ban Biên tập hy vọng Báo cáo sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu về thông tin, số liệu cũng như giúp dộc giả hiểu thểm về những thay đổi trong phương pháp đánh giá của Ngân hàng Thế giới. Đồng thời, gợi ý một số giải pháp cần tập trung triển khai trong thời tới để nâng cao kết quả xếp hạng LPI của Việt Nam. Ban Biên tập mong nhận được những phản hồi và đóng góp thiết thực để cso thể xây dựng Báo cáo hoàn thiện hơn trong những năm tới. Ý kiến góp ý xin gửi về địa chỉ:
NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH