Anh (chị) hãy trình bày ngắn gọn quan niệm sáng tác văn chương của Hồ Chí Minh

Cuộc đời chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của một chiến sĩ cộng sản không ngừng đấu tranh chống lại mọi áp bức bất công dù bất cứ cương vị nào. Từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã sớm có năng khiếu văn học, yêu thích văn học dân gian, văn thơ cổ điển và văn thơ yêu nước Việt Nam, am hiểu sâu sắc Hán học, thơ Đường, thơ Tống. Trong thời hoạt động Pháp, Anh, Người say mê tìm hiểu văn học nghệ thuật phương Tây. Nhưng bình sinh, Hồ Chí Minh chưa bao giờ có ý định xây dựng cho mình một sự nghiệp văn chương. Trong cảnh mất nước, Người đã từng dứt khoát từ bỏ con đường “văn chương khoa cử” để công hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cứu nước. Nhưng trên con đường cách mạng, văn chương lại đến với Hồ Chí Minh như một phương tiện, một vũ khí chiến đấu sắc bén, được sử dụng thường xuyên và rất có hiệu quả. Mặt khác, với một tâm hồn thơ phong phú và năng khiếu thơ bẩm sinh như Hồ Chí Minh, sáng tác văn chương đến như một điều hiển nhiên. Do đó, bên cạnh sự nghiệp cách mạng, Người còn để lại một sự nghiệp văn học quý giá.

Mặc dù vậy, dưới cái nhìn của Hồ Chí Minh, văn chương là một thứ vũ khí sắc bén có sức cảm hóa sâu rộng hướng tới đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Trong Hiệp ước sơ bộ (1946), Người từng viết: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng theo đuổi một mục đích duy nhất là làm cho ích quốc lợi dân”. Quan điểm này đã chi phối tới toàn bộ sáng tác của Hồ Chí Minh, tới mục đích sáng tác, đối tượng, cách viết... hình thành nguyên tắc sáng tác được cụ thể hóa bằng các câu hỏi: Viết để làm gì? (mục đích) Viết cho ai? (đối tượng) Viết gì? (nội dung) Viết như thế nào? (hình thức). Đặt lên hàng đâu phải là mục đích: Viết để làm gì? Viết để ca ngợi cuộc kháng chiến, viết để kêu gọi và huy động sức mạnh quần chúng, viết để tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc... Với mục đích ấy, nhưng tùy vào từng đối tượng khác nhau, sẽ có việc lựa chọn nội dung và những hình thức thể hiện khác nhau, Người lại có những cách trình bày khác nhau, phù hợp với trình độ, khả năng tiếp nhận và đời sống tình cảm của họ.

Truyện và kí Hồ Chí Minh (Những trò lố hay Va - ren và Phan Bội Châu, Con người biết mùi thịt hun khói, Con rùa...) để lại ấn tượng đầu tiên ở sự mới mẻ và hiện đại, không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức phản ánh. Đó là những sáng tác viết bằng tiếng Pháp với thủ pháp đan xen giữa kể và tả, nghệ thuật trào phúng, nghệ thuật xây dựng tình huống thông minh, sắc sảo, phù hợp với việc phục vụ đối tượng độc giả phần lớn là người Pháp lúc bấy giờ.

Nhật kí trong tù là viết nhật ký, viết cho mình, Hồ Chí Minh trở thành một nhà hiền triết phương Đông, đạo mạo, thâm trầm thì cách sử dụng ngôn ngữ bằng tiếng Hán mang phong cách vừa cổ điển, vừa hiện đại là hoàn toàn hợp lý. Còn đối với những đối tượng là người nông dân, trình độ nhận thức còn hạn chế, các tác phẩm của người lại hết sức dễ hiểu, chân thực và gần gũi. Có thể kể đến như các bài Ca sợi chỉ; Ca nông dân,..., có tác dụng lôi kéo và cổ động rất lớn.

Như vậy, quan điểm sáng tác phục vụ cho cuộc kháng chiến, cho cách mạng luôn luôn được Hồ Chí Minh tuân thủ một cách tuyệt đối, và thống nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Người. Chính quan niệm sáng tác tích cực đó đã góp phần làm nên những giá trị trong sáng tác của Hồ Chí Minh. Và dù khi sinh thời, người không bao giờ nghĩ rằng mình sáng tác để trở thành một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, nhưng một cách hiển nhiên, với sự nghiệp văn học mà Người để lại, Hồ Chí Minh xứng đáng trở thành một tác gia văn học lớn của nền văn học Việt Nam, một nhà văn hóa lớn của thời đại.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.