Quan niệm của anh (chị) về lối sống giản dị của một con người

Sinh ra ở trên đời, mỗi người một tính cách, một lối sống. Người ưa lộng lẫy, người thích xuề xoà, người muốn nổi bật,... Nhưng dù ở thời đại nào, xã hội nào con người vẫn luôn nhắc nhở nhau giữ gìn, tập rèn lối sống giản dị.

Giản dị là sự đơn giản một cách tự nhiên trong phong cách sống. Đó là lối sống sử dụng các điều kiện vật chất phù hợp với điều kiện riêng của cá nhân, điều kiện chung của xã hội và điều kiện cụ thể của hoàn cảnh hoạt động, giao tiếp. Trong cuộc đời, hoa còn có muôn ngàn muôn vẻ, có hoa rực rỡ trên phù sa, có hoa khiêm nhường trên đá núi, con người cũng có người giàu người nghèo, người đầy đủ người chưa được ấm no. Vậy trong chi tiêu, sử dụng phải hợp lí phù hợp với điều kiện cá nhân sao cho không rơi vào tình cảnh “bóc ngắn cắn dài” để mang tiếng đua đòi lố lăng. Bên cạnh đó, cũng cần hiểu rằng đã là con người thì phải cùng chung sống, mỗi cá nhân làm nên một tế bào của xã hội có mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau. Vì vậy, cũng cần quan sát điều kiện cụ thể của đất nước, của xã hội để có lối sống phù hợp. Trong những năm sau cách mạng Tháng 8 - 1945 Bác Hồ từng kêu gọi: “Đất nước ta còn nghèo, dân ta còn đói khổ, đồng bào ta không phải ai cũng có cơm ăn áo mặc”. Trong điều kiện như thế cả nước chung lưng đấu cật “áo nâu túi vải” để sẻ chia giúp đỡ nhau. Cũng trong thời kì ấy, ngòi bút của nhà văn Nam Cao đã phê phán gay gắt lối sống xa hoa, hưởng lạc của một số văn nghệ sĩ, tiêu biểu là nhân vật Hoàng: khi đường phố đầy người chết đói con chó của anh vẫn chưa phải nhịn bữa nào; tản cư đi kháng chiến anh vẫn giữ những thói quen ngày thường: đọc Tam Quốc trước khi ngủ, ăn khoai vùi thật khéo, mía ướp hoa bưởi,... Nhưng những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể cũng chi phối đòi hỏi mỗi người phải có sự điều chỉnh phù hợp. Không phải lúc nào chưng diện lộng lẫy cũng là xa hoa và dễ dãi xuề xoà cũng là giản dị. Trong những buổi lễ, buổi đón tiếp khách,... sự chỉn chu, gọn gàng, trang trọng cũng là sự thể hiện ý thức thái độ nghiêm túc, lòng tôn trọng người khác của con người.

Ngược lại với giản dị là xa hoa. Lối sống ấy thường có ở những kẻ hay phô trương, khoe khoang quá lố, thích thể hiện “chơi trội”. Viện vào cớ “sành điệu”, đúng mốt họ tiệc tùng liên miên, chi tiêu quá tốn kém vào những việc vô bổ. Ngày nay còn truyền lại câu chuyện về Hắc Bạch công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu cháo. Và thực tế hiện giờ cũng có những cậu ấm, cô chiêu chưa làm ra tiền nhưng tiêu tiền thường quá mức tài chính của cha mẹ.

Phủ nhận lối sống xa hoa, phô trương không có nghĩa là tán đồng lối sống xuề xoà dễ dãi "ăn xổi ả thì". Sự lộn xộn, bừa bãi trong sắp xếp bài trí sự vật, sự luộm thuộm trong ăn mặc cũng là những biểu hiện cần phê phán. Điều đó chỉ khiến người đối diện thấy mình không được tôn trọng, thấy ác cảm với chủ nhân. Không vị chủ nhà nào mặc áo rách ra đón khách, lấy nước lã ra thay trà. Chẳng ai mặc quần áo vá đi dự tiệc, dự lễ,... Người Việt Nam đi ăn cỗ, đi hội hè phải chọn mặc những bộ quần áo đẹp nhất mình có. Người Việt Nam tiếp khách phải có chén trà nóng, miếng trầu tình "làm đầu câu chuyện".

Con người muốn thành người, bên cạnh việc học vô vàn đức tính như "cẩn, kiệm, liêm, chính", trung thực, nhân ái,... còn phải phải học thêm sự giản dị ở đời. Một tấm gương sáng về lối sống giản dị của dân tộc ta, đó là chính là Bác Hồ vĩ đại. Bác vĩ đại ở nhiều điểm nhưng trước hết là đức tính giản dị vô cùng. Là Chủ tịch, nước mà Bác chỉ mặc bộ ka ki, đôi dép cao su mộc mạc. Được tặng áo bông, điều hoà,... Bác đều tặng lại hết cho những người mà theo Bác “cần chúng hơn”. Nhà Bác, ngôi nhà sàn đơn sơ làm lay động trái tim nhân loại bởi trong ấy chỉ có những thứ tôi thiểu cần dùng cho một người lãnh đạo: bộ bàn ghế làm việc, chiếc giường con, cái đồng hồ,... Nhà thơ Tố Hữu từng ca ngợi Bác:

"Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị

Màu qua thời gian bền bỉ, đậm đà."

Tấm gương sáng của người khiến mỗi chúng ta bỗng lớn lên bên Người một chút. Bác Hồ, đúng như Putstin tâm niệm “Cái vĩ đại nằm trong giản dị".

Ngợi ca sự giản dị để mỗi chúng ta học sống giản dị. Vậy làm sao để giản dị?

Để sống giản dị không hề đơn giản nhưng không phải là không làm được. Mỗi người cần hiểu rõ về bản thân về điều kiện của gia đình, về hoàn cảnh cụ thể của công việc từ đó xác định phù hợp những yếu tố vật chất đi kèm.

Với người học sinh, việc luyện rèn lối sống giản dị rất quan trọng bởi từ đây chúng sẽ trở thành lối sống suốt đời thành nhân cách của con người. Vì vậy mỗi người học sinh phải ý thức sâu sắc việc luyện rèn này. Còn là học sinh cha làm ra tiền, còn phải xin bố mẹ, chúng ta nên chi tiêu tích kiệm, chỉ dùng tiền vào những việc cần thiết; trang phục, ăn uống phải đúng nơi, đúng lúc. Có những bạn mặc váy ngắn đi chùa, không mặc đồng phục khi đi học theo quy định của nhà trường vì chê "vừa xấu, vừa nóng, vừa nhà quê",... Như vậy là không nên.

Giản dị giúp mỗi con người đẹp hơn, thanh thoát hơn, tích luỹ được của cải làm giàu cho xã hội, tạo cho xã hội sự hoà đồng, bình đẳng, thân ái. Xây dựng lối sống giản dị là điều cần thiết đối với mọi người.

BÀI CÙNG NHÓM
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.