Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập Ánh sáng và phù sa (1960) là một bài thơ xuất sắc thuộc giai đoạn sáng tác thứ hai của Chế Lan Viên. Những năm 60, Đảng và Nhà nước mở cuộc vận động bà con miền xuôi lên miền ngược xây dựng quê hương mới. Và Tây Bắc, mảnh đất lịch sử còn vang dội dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu là mảnh đất hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Hưởng ứng cuộc vận động này, đội ngũ văn nghệ sĩ cũng lên đường đến những miền đất mới để khơi nguồn sáng tác. Bài thơ ra đời trong bối cảnh văn hoá xã hội ấy, nhưng nội dung của nó không dừng lại ở việc phản ánh quá trình đi tìm nguồn cảm hứng cho nghệ thuật mà sâu sắc hơn, bài thơ đã thể hiện bước chuyển đổi hoàn toàn tư tưởng thơ của chính nhà thơ.
Với giọng điệu trữ tình mang đậm màu sắc triết luận và suy tưởng, hai khổ thơ đầu tác giả thể hiện khát vọng ra đi để tìm nguồn cảm hứng sáng tạo. Hình ảnh thơ mang ý nghĩa biểu tượng. Bảy khổ thơ tiếp theo thể hiện cảm xúc về Tây Bác, mảnh đất anh hùng. Đây là đoạn thơ thành công nhất trong bài thơ, thể hiện một cách đầy xúc động tình cảm gắn bó của nhân vật trữ tình với con người và mảnh đất thiêng Tây Bắc. Đồng thời thể hiện khát vọng được trở về với nhân dân, bởi đó là ngọn nguồn bất tận của mọi sáng tạo. Từ Anh bỗng nhớ em như đông về... đến Mặt đất nồng nhựa sống của cần lao: cảm xúc mang màu sắc triết luận. Tác giả đã đưa ra triết lí mang tính quy luật của tình cảm: Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương. Hai khổ thơ cuối cùng: triết luận về sáng tạo nghệ thuật, suy tưởng về cuộc kháng chiến của dân tộc.
Bài thơ thể hiện khá rõ những nét tiêu biểu trong phong cách thơ Chế Lan Viên: giàu chất suy tưởng và triết lí, hình ảnh thơ đẹp, gợi cảm và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng.