Trong đời sống ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng Việt có được vị trí như trên do những điều kiện xã hội - chính trị và kinh tế của đất nước này trong nhiều thập kỷ vừa qua qui định. | 1. Do những cuộc di dân liên tục diễn ra trong lịch sử, nhất là từ khoảng giữa thế kỷ XX, hiện tượng cư trú đan xen trở thành phổ biến. Chỉ xem xét vùng núi phía Bắc Việt Nam ngày nay, các nhà nghiên cứu đã thấy ngay là địa bàn cư trú đa dân tộc, với sự có mặt của 40/54 thành phần dân tộc khác nhau. Ðây là địa bàn đa dân tộc cư trú đan xen nhưng không đều giữa các tỉnh, huyện và thị: người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số ở 6 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La và Lai Châu; chiếm từ 50 đến 70% ở các tỉnh: Hoà Bình, Lào Cai và Tuyên Quang; nhưng chỉ chiếm từ 20 đến 50% ở Yên Bái và Thái Nguyên. Có tỉnh có hàng chục dân tộc cư trú nhưng có tỉnh chỉ có 8-9 dân tộc. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thế Huệ thì hiện nay trong số 109 huyện, thị của 10 tỉnh trong khu vực, đã có trên 59 huyện, thị có từ 10 dân tộc trở lên, chiếm 54% số huyện, thị ở miền núi phía Bắc. Những huyện có từ 15 dân tộc cư trú trở lên là Tuần Giáo (17), Bắc Quang (16), Yên Sơn (16), Hữu Lũng (16), Sìn Hồ (16), Ðiện Biên (16), Ðồng Hỷ (16), Phong Thổ (15), thành phố Thái Nguyên (15). Như vậy, mười năm sau so với kết quả của tổng điều tra dân số năm 1979, số huyện, thị có từ 10 dân tộc cư trú trở lên đã tăng thêm 30 đơn vị, vào năm 1989. Theo nghiên cứu của Khổng Diễn, thì vào năm 1979, "hầu như không có một nơi nào diện tích vài ba trăm km2 lại chỉ có một dân tộc cư trú" [1]. Có tỉnh giáp biên nhưng cũng có tỉnh nằm sâu trong nội địa. Có tỉnh người Kinh khá đông, có tỉnh người Kinh không còn là "đa số" mà trở thành thiểu số.