Hình tượng người nông dân vẫn là hình tượng rất đổi quen thuộc và thân thương đối với những tác giả viết về người nông dân trong những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ | Với những đặc điểm như trần thuật theo thời gian tuyến tính, khắc họa sơ lược, mô tả hành động, “AQ chính truyện” gần giống với lối văn xuôi tự sự cổ điển Trung Quốc. Trái lại, với lối trần thuật phi tuyến tính, khắc hoạ tỉ mỉ, mô tả tâm lý, “Chí Phèo” gần với lối văn xuôi thế giới thế kỷ XX hơn. Trên một ý nghĩa nhất định, cách viết của Nam Cao hiện đại hơn. Điều này không phải ngẫu nhiên. Một điều không phải là không có ý nghĩa gì, nếu chúng ta nhớ rằng, cách nhau 34 tuổi, Lỗ Tấn đã bước vào tuổi trưởng thành ngay từ cuối thế kỷ XIX, còn Nam Cao sống trọn trong nửa đầu thế kỷ XX. “Chí Phèo” được Nam Cao viết sau “AQ chính truyện” sau 20 năm, có điều kiện nhiều hơn khi tiếp cận với lối viết hiện đại. Mặt khác Trung Quốc với di sản văn hoá, văn học hết sức đồ sộ với những thành tựu vô cùng rực rỡ đã trở thành niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa. Bởi vậy những mẫu mực trong văn hoá cổ điển đã trở thành áp lực rất lớn đối với nhiều nhà văn Trung Quốc nói chung, nhà văn Lỗ Tấn nói riêng, cho nên sự ảnh hưởng của nghệ thuật văn xuôi tự sự truyền thống đối với sáng tác của Lỗ Tấn là điều dễ hiểu. Trái lại, thành tựu về văn xuôi tự sự trung đại ở Việt Nam chủ yếu là chữ Hán không gây áp lực gì đối với văn xuôi tự sự quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX trên quá trình hiện đại hoá nhanh chóng. Nam Cao lại thuộc thế hệ sau, vừa được thừa hưởng tính chất hiện đại đó, vừa có nhiều điều kiện học tập, tiếp thu văn xuôi tự sự thế giới khoảng giữa thế kỷ XX.