Là một quần đảo nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia có nhiều núi lửa còn hoạt động nhất thế giới. Do đó, chuyến du lịch khám phá xứ vạn đảo của chúng ta, không thể thiếu hành trình khám phá vẻ đẹp của các ngọn núi lửa. Trong số các núi lửa còn hoạt động ở Indonesia, cụm núi lửa Bromo-Semeru-Batok là nơi hiếm hoi có thể mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm cảm giác chênh vênh trên miệng núi lửa. | Đến Indonesia ngắm bình minh trên núi lửa Bromo Là một quần đảo nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia có nhiều núi lửa còn hoạt động nhất thế giới. Do đó, chuyến du lịch khám phá xứ vạn đảo của chúng ta, không thể thiếu hành trình khám phá vẻ đẹp của các ngọn núi lửa. Trong số các núi lửa còn hoạt động ở Indonesia, cụm núi lửa Bromo-Semeru-Batok là nơi hiếm hoi có thể mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm cảm giác chênh vênh trên miệng núi lửa. Từ sân bay Surabaya, chúng ta thuê một chiếc xe riêng đi thẳng tới Cemoro Lawang để tiết kiệm thời gian nhưng đến được thị trấn này, trời cũng đã tối. Khách sạn Cemara Indah, nơi chúng ta sẽ nghỉ đêm là địa chỉ nổi tiếng nhất đối với du khách tham quan Bromo vì nằm ngay trên miệng vực và nhìn thẳng ra cụm núi lửa. Đúng 3g30 sáng, nhân viên khách sạn lần lượt đi gõ cửa đánh thức tất cả các phòng. Mặc dù bên ngoài trời còn tối đen và nhiệt độ xuống dưới 100, đã có nhiều chiếc xe jeep đang chờ phía trước, nối đuôi nhau chở du khách tiến về khu bảo tồn thiên nhiên Bromo. Bình minh trên vùng đất núi lửa là một trong những cảnh đẹp mà không ai muốn bỏ qua khi tới đây. Điểm ngắm bình minh lý tưởng nhất nằm trên đỉnh núi Penanjakan. Chưa tới 5g, mặt trời còn lặn sâu dưới đường chân trời phía Đông nhưng đỉnh núi đã chật kín người. Sau khoảng thời gian chờ đợi trong bóng tối và giá lạnh, giây phút chào đón ánh mặt trời đầu tiên luôn là khoảnh khắc kỳ diệu. Bình minh trên vùng đất núi lửa vừa dữ dội vừa êm ái với những đám mây hình rồng cuộn vắt ngang bầu trời. Trong ánh ban mai rực rỡ, toàn cảnh khu bảo tồn Bromo-Tengger-Semeru dần hiện lên trước mắt chúng ta. Tên gọi khá dài này là kết hợp tên của hai núi lửa Bromo và Semeru với Tengger, tên của người dân tộc sống trong thung lũng này. Bromo là ngọn núi nổi bật hơn cả với làn khói lưu huỳnh dày đặc luôn mù mịt bốc lên từ lòng núi. Sát bên Bromo là núi lửa Batok đã ngừng hoạt động từ lâu, cây cỏ mọc xanh khắp sườn núi. Nằm xa nhất là núi lửa Semeru được xếp vào loại hoạt động mạnh nhất ở Indonesia. Cứ mỗi 20 phút, Semeru lại nhả ra một đám khói bụi khổng lồ, đôi khi có cả tro và đá núi lửa. Sau khi ngắm bình minh, chúng ta chọn Bromo để tiếp tục tham quan. Chiếc xe jeep sẽ đưa chúng ta xuống núi, đi về phía cụm núi lửa nằm giữa Biển Cát. Gọi là “cát” chứ thực ra đây là tro phun ra từ núi lửa, phủ một lớp dày màu đen xám trên mặt đất. Càng lên cao, mùi lưu huỳnh càng nồng nặc, khó chịu. Lên tới đỉnh núi, cột khói mù mịt bốc lên từ trong lòng núi khiến khung cảnh mờ ảo, thật ấn tượng. Bề rộng vách núi khá hẹp nên chúng ta phải thận trọng nép sát vào lan can, chiêm ngưỡng cảnh quan trong lòng núi lửa. Từ những đường nứt khổng lồ bên dưới, khói tuôn ra mù mịt, che mờ những vách núi lạnh lẽo phủ tro xám trắng. Không ai trong nhóm chúng ta dám đi hết một vòng miệng núi lửa, đành dừng lại ở lan can cuối cùng để lưu giữ cho mình những kỷ niệm về chuyến du hành trên miệng núi lửa./.