« Giấc mơ của chúng tôi : một thế giới không còn đói nghèo » - đó là khẩu hiệu đón tiếp những ai bước vào trụ sở WB ở Washington. Chủ đề này xuất hiện lần đầu vào năm 1972 trong các diễn văn của Robert McNamara « tuyên chiến với đói nghèo » với mục tiêu « thanh toán » nó trước năm 2000. Thường nhắc rằng WB « không phải là một công cuộc từ thiện », ông chủ trương các nước nghèo nên vay nợ để phát triển theo chiến lược :. | Bản thảo tạm thời, không phổ biến Hội thảo Hè Nha Trang 2008 TĂNG TRƯỞNG « VÌ NGƯỜI NGHÈO » : WORLD BANK VÀ « CÂU CHUYỆN THÀNH CÔNG » CỦA VIỆT NAM Trần Hải Hạc [1] Mùa hè 2007, cách đây một năm, Robert Zoellick, sau khi nhậm chức chủ tịch mới của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), đã chọn đến Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên các nước đang phát triển, để ca ngợi điều mà ông gọi là « câu chuyện thành công » (success story) của Việt Nam trong tăng trưởng và giảm nghèo. Ông còn nêu triển vọng năm 2010, Việt Nam sẽ rời danh sách các nước nghèo để trở thành một nước có thu hập trung binh (tổng sản phẩm GDP đầu người trên 900 USD) [2]. Trước đó, phó chủ tịch phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, Jim Adams, không ngần ngại khẳng định « Việt Nam là mô hình mẫu mực về phát triển và chống nghèo, đặc biệt do phân phối lại công bằng lợi ích kinh tế giữa các tầng lớp xã hội ». WB có cả một trang mạng riêng giới thiệu bằng bảy thứ tiếng mô hình phát triển Việt Nam cho cộng đồng quốc tế. Đáp lễ, phía Việt Nam cho rằng « nhờ hỗ trợ quí báu của Ngân hàng Thế giới mà Việt Nam đã giảm một cách ấn tượng tỷ lệ đói nghèo từ 58 % năm 1993 xuống dưới 20 % năm 2004 » [3]. Tuy đây là nhận định phổ biến trong chính quyền Việt Nam và các định chế tài chính quốc tế, song không phải không có những tiếng chuông khác. Một trong những văn bản sau cùng của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt lên tiếng về « người nghèo - những hộ thu nhập thấp, những người phải chạy ăn từng bữa - trên thực tế chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng ». Nói đến những viên chức quốc tế đánh giá cao thành quả của Việt Nam, ông nhắc nhở « những đánh giá ấy chủ yếu dựa trên các báo cáo trong nước, và chúng ta hiểu khoảng cách giữa thực tế và báo cáo còn đáng kể » [4]. Đồng thời, một bản cáo của nhiều nhà nghiên cứu thuộc Chương trình đại học Havard ở Viêt Nam cảnh báo chính phủ về triệu chứng ‘cục cưng’ : « Ngân hàng thế giới và nhóm các nhà tài trợ đồng minh của họ làm ngơ trước mọi diễn biến tiêu cực ở Việt Nam .