Qua điều tra 1000 hộ gia đình đại diện cho các vùng khác nhau của Tỉnh Ninh Bình cho thấy vai trò của lao động nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại nông thôn. Bởi vậy việc nhìn nhận và đánh giá đúng cũng như tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát huy hết khả năng của mình . sẽ góp phần phát triển kinh tế hộ nói riêng và phát triển nông nghiệp - nông thôn nói chung. | Từ thực tiễn ở Ninh Bình, để phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn, cũng cần phải khắc phục một số trở lực như: Thiếu thông tin, kiến thức và kinh nghiệm, nhất là kiến thức về khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Số lao động trong nông thôn qua đào tạo còn rất thấp, mặt khác công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Hiện nay số hộ nông dân do kinh tế khó khăn nên chưa mua sắm được thiết bị như ti vi, đài còn cao: 48,8% gia đình không có ti vi; 62,8% gia đình chưa có radio catsset, cá biệt có một số phụ nữ ít tham gia sinh hoạt đoàn thể, vì vậy việc tiếp cận với những thông tin còn nhiều hạn chế, cũng ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Một khó khăn nổi bật trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn là thiếu vốn, mặc dù ở nông thôn đã mở rộng mạng lưới tín dụng, nhưng các nguồn vốn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các hộ. Qua điều tra có 63% số hộ có nhu cầu vay vốn, nhưng mới đáp ứng được 39,6%, có 5% số hộ phải đi vay tư nhân với mức lãi xuất cao từ 3 - 5% tháng. Có một số hộ vay được vốn, nhưng do sử dụng chưa đúng mục đích hoặc do thiên tai nên việc thu hồi vốn không đúng thời hạn nên đã ảnh hưởng đến việc chu chuyển nguồn vốn. Vấn đề đưa ngành nghề vào nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, vì không có thị trường tiêu thụ, nên một số hộ còn thiếu việc làm lúc thời vụ nông nhàn. Qua điều tra số hộ còn thiếu việc làm chiếm 46,7%, quỹ thời gia lao động của các hộ gia đình nông thôn còn thiếu việc làm từ 24 đến 32% quỹ thời gian. Hiện nay có 74,7% số hộ nông dân cho rằng giá cả dịch vụ còn cao, giá nông sản rẻ, một số sản phẩm do nông dân làm ra bị tư thương ép giá, cá biệt không có người mua, nhiều mặt hàng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Một số gia đình có mức sống thấp, do đông con, sức khỏe yếu, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất chiếm tỷ lệ 15% số hộ thuộc diện được điều tra. Ngoài ra việc đãi ngộ, khuyến khích, khen thưởng, tạo việc làm cho hộ nông dân nhất là phụ nữ chưa được quan tâm. Đặc biệt điều kiện làm việc không có sự bảo hộ, nhất là những người lao động trong môi trường độc hại, công việc nặng nhọc. Nếu giải quyết được những khó khăn trên sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho kinh tế hộ gia đình phát triển, nêu cao được vai trò của phụ nữ trong kinh tế hộ gia đình.