Tài liệu tham khảo các kiến thức về núi lửa | Các nhà khoa học thuộc Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ (New York, Mỹ) đang mô phỏng những điều kiện gây nên một số vụ phun trào núi lửa dữ dội nhất lịch sử cận đại. Nếu thành công, khoa học sẽ đưa ra dự báo chính xác hơn, không những về thời gian phun trào mà còn về mức độ phun trào của núi lửa. Nhóm nghiên cứu bao gồm James Webster, nhà địa hóa học, và Charles Mandeville, chuyên gia núi lửa. Họ mô phỏng các khoang chứa magma trong núi lửa, được mệnh danh là cái chảo khổng lồ chứa đầy đá nóng chảy dưới lòng đất, tác nhân gây phun trào. Dựa vào bản chất của magma, đặc biệt là số lượng và đặc điểm của khí địa chất trong magma, họ có thể xác định được núi lửa sẽ phun trào theo kiểu gì: kiểu plinian - tạo thành đám mây hình cây thông, hay kiểu thụ động - phun thành cột lửa và sông dung nham. Webster cho biết, sự khác biệt giữa 2 kiểu phun trào chủ yếu phụ thuộc vào bản thân magma. Magma giống nhau sẽ tạo nên kiểu phun trào giống nhau. Nhìn chung, núi lửa có lượng nước và carbon dioxide trong magma sẽ có xu hướng dữ dội hơn, giống như một chai champagne bất ngờ bị bật nút. Nếu trong magma có ít khí, núi lửa sẽ phun trào nhẹ nhàng hơn. Theo lời Mandeville, magma giàu silic sẽ trở nên dính hơn, làm cho khí địa chất trong magma khó thoát ra ngoài, tạo nên những vụ phun trào "kinh thiên động địa". Chính khí địa chất là tác nhân gây phun trào. Jacob Lowenstern, nhà nghiên cứu núi lửa thuộc Trung tâm Khảo sát Địa chất Menlo (California, Mỹ), nói: "Nếu không có khí địa chất, magma chỉ tràn ra mặt đất chứ không bùng lên như pháo hoa". Tại phòng thí nghiệm của viện bảo tàng, 2 nhà nghiên cứu chọn magma của đỉnh Vesuvius ở Italy làm mẫu. Năm 79 sau CN, ngọn núi lửa đã phun ra cột khói cao đến 32km, phá huỷ toàn bộ 2 thành phố Pompeii và Herculaneum, làm hơn người thiệt mạng. Vụ phun trào này dữ dội đến mức nó có thể thổi tung một tảng đá bằng chiếc tủ lạnh lên tận khí quyển. Hai nhà khoa học thu thập mẫu đá từ một số núi lửa trên thế giới, sau đó cắt mỏng ra để tìm các lỗ hổng magma tí hon, hay còn gọi là "thể vùi tan chảy". Thể vùi chính là cái túi thời gian, chứa dấu hiệu hóa học của magma trước khi núi lửa phun trào. Nhóm nghiên cứu sử dụng máy dò electron để phát hiện silic và các thành phần khác, đồng thời dùng máy quang phổ hồng ngoại để đo lượng nước và carbon dioxide. Lowenstern nói: "Thể vùi là bằng chứng trực tiếp duy nhất về loại khí địa chất gây nên phun trào núi lửa, cả thời xưa lẫn ngày nay. Nếu muốn mô phỏng một vụ phun trào, bạn cần phải biết khí địa chất phân bố như thế nào". (Khánh Hà - Theo National Geographic)