Bài viết này bàn về quan niệm nghệ thuật và kết cấu hình tượng - hai phương diện cơ bản góp phần quan trọng làm nên đặc trưng, giá trị, sức sống lâu bền và sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Huỳnh Văn Nghệ. Quan niệm nghệ thuật của Huỳnh Văn Nghệ thể hiện rõ bản lĩnh tiên phong của người nghệ sĩ cách mạng với ý niệm về thơ mang tính vị nhân sinh và một cái nhìn nghệ thuật mới mẻ về con người; sự đồng điệu và hài kết nhuần nhị, tự nhiên giữa chủ thể và khách thể phản ánh. | Nổi bật là chân dung tinh thần của hình tượng chủ thể thẩm mỹ luôn lấp lánh, lúc tiềm ẩn, lúc hiển lộ những đặc điểm và sức hấp dẫn của ý chí, bản lĩnh và khí phách tráng sỹ, trượng phu của người con chí hiếu với gia đình, quê hương và Tổ quốc. Đặc sắc này bắt nguồn từ hai lẽ: Một là, chính hình ảnh người chiến sỹ kiên trung, dũng cảm, tài trí và mưu lược Huỳnh Văn Nghệ trong đời thực đã phả bóng hình của mình vào từng tứ thơ, hình tượng, ngôn từ và giọng điệu thơ. Con người và thơ ca Huỳnh Văn Nghệ gắn bó chặt chẽ, mật thiết, tương tác với nhau như hai mặt của một vấn đề: Thơ là phần hồn, phần tư tưởng; con người là phần hành động, hành xử văn hóa; người phổ hồn vào thơ, thơ làm đẹp thêm con người. Hai là, hồn thiêng sông núi, con người miền Đông Nam Bộ cùng hiện thực lịch sử anh hùng, bất khuất của vùng đất này trong chiến tranh chống thực dân trên nền dòng chảy vĩ đại của lịch sử - văn hóa chống kẻ thù ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đã vọng vào, phổ hồn vào thơ Huỳnh Văn Nghệ trong cách cảm quan và diễn trình của tác giả. Một góc nhìn khác, cuộc đời huyền thoại, nhân cách sống cao đẹp của con người cũng như tư tưởng và nghệ thuật thơ Huỳnh Văn Nghệ là sự thể hiện tinh thần tự chịu trách nhiệm trước lịch sử - một sự phát huy, tiếp nối khí phách tự cường, dấn thân, hào sảng, lẫm liệt với đức hy sinh cao cả của những bậc anh hùng tiền bối như Trương Định, Phan Công Tòng, Nguyễn Trung Trực , cũng như của những người nghĩa sỹ nông dân khởi nghĩa trong hồn thơ Đồ Chiểu.