Trong khuôn khổ bài viết này chỉ một phần nhỏ thông tin của cuộc điều tra được sử dụng nhằm tìm hiểu mức độ tham gia thị trường nông sản cũng như các cơ hội và thách thức của các hộ nông dân nhỏ miền Trung trước thềm hội nhập. . | Tuy các nông hộ của các tỉnh khác nhau có điều kiện tiếp cận thị trường khác nhau, nhưng nhìn chung các cơ sở hạ tầng cơ bản cũng đang còn nghèo nàn và mức độ đáp ứng còn chậm như vận chuyển, thông tin thị trường, tư vấn chất lượng, bảo quản, dự trữ. Số liệu ở bảng 2 cho thấy trong khi hầu hết các hộ có thể tiếp cận thông tin liên lạc qua điện thoại, thì trên thực tế việc sử dụng phương tiện này để tìm hiểu thông tin cũng hạn chế vì không phải lúc nào họ cũng có thể tìm đúng địa chỉ cần thiết. Hơn nữa, đây vẫn chưa phải là thói quen của họ. Đối với thông tin báo chí hàng ngày cũng có sự khác biệt lớn giữa các tỉnh điều tra – thấp nhất là 23% số người được hỏi có thể tiếp cận ở Thừa Thiên - Huế và cao nhất là 70% ở Kon Tum. Về điều kiện thông tin chất lượng sản phẩm, số liệu điều tra cũng cho thấy 47% số hộ điều tra có thông tin về chất lượng sản phẩm và chỉ có khoảng 15% số hộ có điều kiện sử dụng các phương tiện phân loại chất lượng nông sản, con số này cũng rất khác nhau giữa các tỉnh và loại sản phẩm. Khoảng 30% số hộ có thể tiếp cận các dịch vụ tư vấn về chất lượng, 29% về quan hệ giữa giá cả và chất lượng, 27% về xử lý sau thu hoạch và chỉ 13% về yêu cầu chất lượng tiêu thụ.